Hoàn cảnh ra đời Làng giáo có gì vui

"Cởi áo cho người xem lưng, nhất là cái lưng giáo dục lúc này đầy những vết bầm dập và cả những mụn ghẻ lở, nhiễm trùng… liệu các sếp ngành mình có ưng không? Tôi băn khoăn, toan tính. Viết cho báo ngành thì chẳng được in. Viết cho báo ngoài, chắc chắn sẽ bị phạt vi cảnh".

Nhà văn Hoàng Minh Tường bộc bạch vào năm 2014 trên báo Giáo dục & Thời đại.[1]

Kinh tế Việt Nam thập niên 1980 khó khăn, nhiều lĩnh vực tính đến năm 1987 "vẫn tiếp tục đà rơi tới đáy".[2][1] Giáo dục – văn hóa vẫn tiếp tục khủng hoảng, hiện tượng hàng loạt giáo viên bỏ nghề do mức lương không đủ sống, học sinh chán nghề sư phạm.[1][3] Nghề giáo giai đoạn này được đúc kết bằng câu so sánh "thầy cô giáo là người nông dân có nghề phụ là nghề dạy học",[1] "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm".[3][4] Đa số nhà giáo phải làm thêm việc phụ (như chạy xe ôm, bán hàng ngoài chợ) để gia tăng thu nhập.[2][4] Một thời gian sau, tình trạng dạy học thêm tràn lan xuất hiện, phụ huynh lo lắng giáo viên không dạy tận tình so với lớp học thêm, các nhà quản lý giáo dục ban hành nhiều chỉ thị nhằm cấm dạy thêm. Hiện tượng "dạy chui" xuất hiện, được hợp thức hóa bằng đơn xin mở lớp học thêm của phụ huynh.[2]

Sau khi nhà văn Nguyên Ngọc được cử về làm Tổng Biên tập báo Văn Nghệ, số lượng bản in của báo gia tăng từ 2.000 bản lên đến 70.000 bản một số in phát hành, nhiều loạt phóng sự được độc giả đón nhận rộng rãi như "Vua lốp" của Trần Huy Quang và "Cái đêm hôm ấy... đêm gì?" của Phùng Gia Lộc. Hoàng Minh Tường khi đó đang là phóng viên báo Người giáo viên nhân dân, thâm niên hoạt động về giáo dục khoảng mười năm. Trưởng ban văn xuôi Ngô Ngọc Bội cùng Tổng biên tập báo Văn Nghệ Nguyên Ngọc gặp mặt tác giả trong một buổi họp cộng tác viên tại Hà Nội; sau đó họ đề xuất tác giả viết một phóng sự về giáo dục. Cộng tác viên Hoàng Viết Nghiệm—hiện đang làm việc tại Công đoàn Giáo dục Việt Nam—thông báo cho tác giả về một báo cáo hàng nghìn giáo viên tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nghỉ việc, Hoàng Minh Tường quyết định viết một phóng sự với tựa đề "Làng giáo có gì vui".[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Làng giáo có gì vui http://vanvn.net/thoi-su-van-hoc-nghe-thuat/van-ho... http://baoquangngai.vn/channel/7942/201602/cai-nam... http://vanhoanghean.com.vn/index.php?option=com_k2... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://daidoanket.vn/diem-cua-nguoi-lam-thay-38347... http://vienvanhoc.vass.gov.vn/noidung/tintuc/Lists... http://tailieuso.udn.vn/bitstream/TTHL_125/4970/2/... https://web.archive.org/web/20140306210431/http://... https://web.archive.org/web/20140308001114/http://... https://web.archive.org/web/20171108130644/https:/...